iện hạt nhân ở Liên bang Nga

Người đăng: vu huong



Cục An toàn bức xạ hạt nhân

Điện hạt nhân ở Liên bang Nga
Vào hồi 5h30 phút sáng 26.6.1954, tại Thành phố Opnhinxcơ gần Matxcơva, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới đã được hòa vào mạng điện chung của thành phố, cung cấp điện năng cho dân chúng và cho công nghiệp. Đây là lần đầu tiên sức mạnh to lớn trong lòng hạt nhân nguyên tử được giải phóng để phục vụ cho mục đích hòa bình.

Đúng 50 năm sau, cũng tại Thành phố Opnhinxcơ, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (International Atomic Energy Agency - IAEA) cùng với Chính phủ Liên bang Nga đã tổ chức một Hội nghị quốc tế trọng thể từ ngày 27.6 đến 2.7.2004 để kỷ niệm ngày ra đời của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Tham dự Hội nghị này có nhiều nhà lãnh đạo các nước trên thế giới, đại diện của các tổ chức phi chính phủ và đông đảo các nhà bác học, các chuyên gia trong ngành năng lượng hạt nhân. Mục đích của Hội nghị là đánh giá thành tựu trong 50 năm qua và vạch ra phương hướng trong 50 năm tới của công nghiệp điện hạt nhân.

Tôi có may mắn được đến thăm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới ở Opnhinxcơ vào đầu năm 1962, nhân dịp đi dự một lớp học trong ba tháng do Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúp Na tổ chức tại Matxcơva để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Tôi cũng đã được ngồi tàu hỏa một đêm trăng sáng qua thảo nguyên mênh mông của nước Nga đến bên bờ sông Đông êm đềm thăm công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân Novo - Voronej lớn nhất thế giới hồi đó công suất 240.000kW. Tôi đã được tận mắt chứng kiến không khí tưng bừng phấn khởi trên công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân công suất lớn đầu tiên này.

Sau lớp học vào đầu năm 1962, các nước xã hội chủ nghĩa Đông âu đã đẩy mạnh việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân với các loại lò phản ứng tiêu chuẩn (Standard) do Liên Xô (cũ) giúp xây dựng ký hiệu VVER - 440, công suất mỗi lò 440 MW. VVER là viết tắt của tiếng Nga có nghĩa là “Lò phản ứng động lực nước” - nước, giống như loại lò phản ứng nước áp lực PWR (pressurized water reactor) phổ biến ở các nước phương Tây và trên thế giới. Một loạt lò phản ứng VVER - 440 đã được xây dựng ở Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria, Hungary và ở ngay trên lãnh thổ Liên Xô. Ngay ở Phần Lan cũng có 2 lò phản ứng VVER-440 do Liên Xô giúp xây dựng, lò thứ nhất (Loviisa - 1) vận hành thương mại vào năm 1977, lò thứ hai (Loviisa - 2) vào năm 1981.

Nga là nước có trữ lượng về khí thiên nhiên (natural gas) lớn nhất thế giới, trữ lượng than đá lớn thứ hai thế giới, trữ lượng dầu mỏ lớn thứ tám thế giới. Nga là nước xuất khẩu khí thiên nhiên lớn nhất thế giới, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới.

Hiện nay trong cơ cấu điện năng của nước Nga, nhiệt điện (than, dầu, khí) chiếm khoảng 63%, thủy điện chiếm 21%), điện hạt nhân chiếm khoảng 16%. Số lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động là 31 cái với tổng công suất 21,7 triệu kW, số lò phản ứng đang xây dựng là 4 cái với công suất 3,6 triệu kW, số dự định sẽ làm là 8 cái với tổng công suất 9,4 triệu kW.

Trong số các lò phản ứng đã và đang được xây dựng ở Nga hiện nay, loại lò hiện đại nhất có tiêu chuẩn sát với tiêu chuẩn quốc tế nhất là lò VVER-1000, công suất mỗi lò 1000MW. Hiện nay trên lãnh thổ nước Nga có 8 lò phản ứng VVER-1000 đang hoạt động. Ngoài ra, nước Nga đang giúp xây dựng các lò VVER-1000 ở Trung Quốc, ấn Độ, Iran và dự định sẽ bán sang các nước khác nữa.

ở Trung Quốc, theo một hiệp định ký kết giữa Chính phủ Nga và Chính phủ Trung Quốc, Nga giúp Trung Quốc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Tianwan (Điền Loan) giai đoạn I ở Thành phố Lianyungang (Liên Vân Cảng) trên bờ biển tỉnh Giang Tô, cách Thượng Hải không xa, một cụm hai lò phản ứng loại VVER-1000 kiểu AES - 91, công suất mỗi lò 1060MW. Tổng giá thành là 3,2 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 1,8 tỷ USD. Trong các lò phản ứng này có các cấu kiện an toàn của Phần Lan và thiết bị điều khiển của Công ty liên hợp Pháp - Đức Areva - Siemens. Lò phản ứng thứ nhất đã nối mạng tháng 5.2006 và đưa vào vận hành thương mại tháng 6.2007. Lò thứ hai nối mạng tháng 5.2007 và đưa vào vận hành thương mại tháng 8.2007. Tuổi thọ của mỗi lò phản ứng là 40 năm.

Nga và Trung Quốc cũng đã ký kết để thực hiện giai đoạn 2 của nhà máy điện hạt nhân Tianwan với hai lò phản ứng VVER-1000 (AES-91) công suất mỗi lò 1060MW, dự định sẽ khởi công vào cuối năm 2009.

Nga đang giúp ấn Độ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân gồm 2 lò phản ứng VVER - 1000/ V-412 cải tiến tại Kudankulam, trong bang Tamil Nadu, đồng thời cũng đang giúp Iran xây dựng một nhà máy điện hạt nhân gồm 2 lò phản ứng VVER - 1000.

Có thể nói nước Nga là nước đã mở đầu cho nền công nghiệp điện hạt nhân của thế giới và ngày nay với kinh nghiệm đã tích lũy được trong nhiều năm, đang từng bước trở thành đối tác đáng tin cậy của các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong công cuộc phát triển công nghiệp điện hạt nhân, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét