Sinh viên Việt Nam thông minh

Người đăng: vu huong


Giáo sư Jerome I. Friedman - giải Nobel Vật lý năm 1990 là một vị khách mời đặc biệt trong IphO lần thứ 39 tại Việt Nam. Trao đổi với báo giới, ông cho rằng học sinh Việt Nam có thể đoạt được giải Nobel.

Sinh viên Việt Nam thông minh

- Ấn tượng của ông đối với sinh viên Việt Nam mà ông đã gặp là gì?

Giáo sư Jerome I. Friedman

- Tôi rất ấn tượng học sinh Việt Nam vì mối quan tâm của họ với khoa học. Tôi thấy sinh viên Việt Nam có khả năng và thông minh. Trong những buổi nói chuyện, tôi cố gắng thu hút sinh viên đến với khoa học, xem khoa học là sự nghiệp của mình. Đây là việc rất quan trọng.

Tôi đã hỏi một số nhóm sinh viên Việt Nam là làm thể nào để đóng góp vào nền khoa học thế giới, khi Việt Nam còn là một nước nghèo. Họ trả lời rằng, với những nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của nhiều nơi, họ sẽ làm được nhiều việc và hiệu quả. Theo tôi, đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư tuyệt vời nhất, sau này chúng ta sẽ nhận được rất nhiều.

- Ông đã từng đến Việt Nam vào năm 2000. Sau 8 năm, ông đánh giá thế nào về sự thay đổi của Việt Nam?

- Tôi thấy kiến trúc thì vẫn tương tự như thế thôi, nhưng xe cộ trên phố thì nhiều hơn nhiều. Việt Nam đã phát triển đáng kể. Riêng về lĩnh vực vật lý hạt nhân, có thể tôi gặp gỡ chưa nhiều, nói chuyện chưa nhiều nhưng tôi nhận thấy các nhà khoa học Việt Nam đã hợp tác với các nhà khoa học quốc tế trong các công trình của họ. Điều này rất tốt. Vì càng hợp tác nhiều bao nhiêu thì khả năng thành công càng nhiều bấy nhiêu.

Về niềm đam mê vật lý của các sinh viên thì tôi thấy 8 năm trước hay hiện nay, niềm đam mê ấy vẫn mãnh liệt. Các sinh viên Việt Nam thực sự là những sinh viên xuất sắc.

Đâu là thành công lớn nhất và đâu là thất bại lớn nhất trong cuộc đời ông?

- Thành công lớn nhất thì rất dễ dàng để nhận ra rồi. Còn thất bại lớn nhất – đó là điều tôi chỉ muốn quên đi (cười lớn). Bất cứ nhà khoa học nào cũng trải qua thành công và thất bại. Thành công có thể chưa đến nhưng thất bại thì ai cũng phải trải qua trên con đường đi đến thành công.

- Ông có thể cho biết vì sao ông dành nhiều sự quan tâm của mình đến Việt Nam?

- Một trong những mục tiêu của cuộc đời tôi là được thực hiện những công trình khoa học với những người trẻ tuổi. Khi được mời đến nói chuyện với các sinh viên, tôi luôn khuyến khích các em đam mê nghiên cứu khoa học. Tôi rất vui khi được mời đến Việt Nam, đặc biệt là với lời mời của ông bạn thân, GS Nguyễn Thanh Vân.

- Khi đến Quảng Bình, GS đã nhận bảo trợ cho một làng trẻ em mồ côi?

- Đó là một nơi rất đặc biệt. Tuy mồ côi nhưng những đứa trẻ đó rất hạnh phúc, chúng múa hát, cười đùa, nhìn thấy nụ cười của những đứa trẻ là nhìn thấy sự hạnh phúc.

- Có một điều bạn đọc chú ý, đó là khi đến Quảng Bình, GS đã đi bộ tới 2 lượt trên cầu Hiền Lương. GS đã nghĩ đến điều gì mà đi tới 2 vòng?

- Cảm giác duy nhất là hạnh phúc. Giữa Việt Nam và Mỹ đã thực sự có hòa bình, chúng ta đã có thể cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Nói về điều này, tôi muốn kể thêm là những năm 60, tôi là một trong những người Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam và bị ngồi tù một đêm vì việc này. Đêm ở trong tù vì phản chiến đó, tôi ở chung với một người mà sau này rất nổi tiếng, đó là Thượng nghị sĩ John Kerry.

"Đánh giá cao khâu tổ chức của Việt Nam"

- Hai buổi thi quan trọng nhất của IphO đã kết thúc, cuộc thi đã cơ bản hoàn thành. GS có nhận xét gì về cách làm đề và khâu tổ chức của Việt Nam?

- Tôi không trực tiếp tham gia làm đề, vì thế không thể đưa ra một nhận xét nào. Nhưng về khâu tổ chức, tôi có thể nói Việt Nam tổ chức rất nghiêm túc, học sinh tham gia rất hứng thú. Tôi đánh giá cao khâu tổ chức của Việt Nam.

- Theo đánh giá của ông, học sinh Việt Nam có cơ sở giành giải Nobel hay không và cần phải làm gì để đạt được điều này?

- Rất khó để đoán được điều này, nhưng tôi cho là có thể. Điều quan trọng là cần hỗ trợ học sinh giỏi trong suốt quá trình học tập, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các học sinh ấy. Chỉ có thể đoạt Nobel khi tạo cho các em ấy những cơ hội.

Bản thân tôi là một ví dụ. Tôi sinh ra trong một thời điểm khó khăn, tuy không nhận được nhiều kiến thức của nhà trường nhưng tôi vẫn cố giành được một học bổng vào ĐH. Sau đó, tôi nhận được rất nhiều hỗ trợ của Chính phủ để có thể nhận được giải Nobel mà nhiều người ngưỡng mộ. Nếu không có giúp đỡ, chúng ta không thể làm được những việc lớn.

- Học sinh Việt Nam khi thi quốc tế đoạt nhiều giải cao nhưng lại ít có công trình đoạt giải quốc tế. Ông lý giải gì về điều này?

- Có thể đó là vấn đề trong đầu tư cho khoa học. Tùy từng quốc gia, việc đầu tư này ở những mức độ khác nhau. Tôi lấy ví dụ Singapore, trước đây đó là một nước rất nghèo, không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng họ quyết tâm đầu cho cho nhân lực, khoa học và kết quả là bây giờ, họ là một nước công nghệ phát triển. Việt Nam có một nền giáo dục tốt, nguồn nhân lực tốt, nếu đầu tư cho khoa học công nghệ thì sẽ phát triển.

GS Friedman (28/3/1930) là nhà Vật lý người Mỹ gốc Nga. Ông giành được học bổng toàn phần tại Khoa Vật lý trường Đại học Chicago năm 1950, đỗ bằng Thạc sĩ năm 1953 và trong khi cùng tham gia nghiên cứu với GS Enrico Fermi (1901 -1954), ông nhận được bằng Tiến sĩ Vật Lý năm 1956.

Từ năm 1960 đến nay, ông tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Vật lý, và là giám đốc Viện Nghiên Cứu Hạt Quark tại Học Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT), một học viện danh tiếng hàng đầu của Mỹ.

Trong hai năm 1968-1969, ông tiến hành thí nghiệm với Henry W. Kendall (Trung Tâm Stanford Linear Accelerator) và đã lần đầu tiên chứng minh được rằng các protons có cấu trúc nội tại (được biết như là hạt quarks).

Chính nhờ phát kiến vĩ đại này mà GS Friedman và GS Kendall đã được trao giải Nobel Vật Lý năm 1990.

Hiện nay ông cũng là thành viên của Hiệp hội Bảo trợ Bản tin các nhà khoa học nguyên tử.

(Nguồn http://web.mit.edu)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét