Kho tri thức

Người đăng: vu huong


- Kể từ năm 1986 trở đi, nhân loại bắt đầu xuất hiện và tồn tại trong thời gian dài một cụm từ khủng khiếp còn gọi là “Thảm họa Chernobyl”. Thảm họa này đã gây thiệt hại nặng nề trực tiếp cho Ucraine tại khu vực Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl.

Chernobyl là một thành phố nhỏ nằm ven bờ hồ chứa nước Kiev, giữa hai con sông Uzh và Pripyat, là thành phố trong một khu rừng cây. Vào mùa hè, đã từng có rất nhiều người đến đây để nghỉ ngơi, bởi phong cảnh rất đẹp. Bên sông Pripyat, người ta đã xây dựng một thành phố được đặt tên là Pripyat. Đây đã từng là thành phố vườn. Những đại lộ và nhiều cây xanh đã làm cho thành phố trở thành địa điểm thư giãn tuyệt vời.

Ảnh: National Geographic News
Nhà máy Chernobyl bị đóng cửa vào năm 2000. Ảnh: National Geographic News

Năm 1972 ngay gần Chernobyl, người ta đã bắt đầu xây dựng nhà máy điện nguyên tử có công suất lớn nhất Liên Xô. Đến năm 1985, 4 tổ điện được hoàn thành và tổ điện thứ 5 bắt đầu xây dựng. Đêm 26/4/1986 là đêm báo trước một điều tồi tệ xảy ra.

Tại nhà máy điện nguyên tử, người ta đã tiến hành một cuộc thử tải cho phép. Toàn bộ hệ thống bảo vệ tổ điện đã bị ngắt, và tổ điện này chuyển sang trạng thái mất kiểm soát. Các chuyên gia vận hành tổ điện cố gắng ổn định lại tình hình, nhưng mọi sự đã quá muộn. Đúng 1 giờ 24 phút sáng, có 2 tiếng nổ ở lò phản ứng số 4, đồng thời hỏa hoạn xảy ra.

Sau 5 phút, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã đến hiện trường vụ tai nạn. Đến sáng hôm đó, họ đã khống chế được đám cháy. Nhưng điều khủng khiếp nhất xảy ra sau đó. Lò phản ứng số 4 bị phá hủy hoàn toàn, trên toàn bộ khu vực nhà máy điện nguyên tử bắt đầu bắn tung tóe các mẩu uranium và than chì, gây ra hiện tượng bức xạ nguyên tử. Người dân hai thành phố Chernobyl và Pripyat tiếp tục ở lại thêm hai ngày nữa. Họ không hề nhận được một lời cảnh báo nào về thảm họa này.

Hàng trăm nghìn người vẫn đi dạo trên các con phố, vẫn “tận hưởng” bầu không khí thiên nhiên. Lúc đó, tại Kiev đang diễn ra các cuộc đua xe đạp. Những ngày này thời tiết rất oi bức, nhiều người đã quyết định tổ chức cuộc đua ở ngoại ô thành phố. Và không ai cảm thấy rằng, những ngọn cỏ và cây xanh lại trở thành kẻ thù của mình. Một số người đã bị ảnh hưởng của tia bức xạ đến mức, chỉ sau một thời gian đã chết.

Ngày 28/4/1986, một đoàn gồm 1.100 xe buýt đã di tản người dân ra khỏi thành phố Prinyat, Chernobyl và những điểm dân cư khác thuộc khu vực chạy nạn. Họ được phép chỉ mang theo chứng minh thư nhân dân và một ít thức ăn. Toàn bộ tài sản còn lại đã bị vứt bỏ.

Chính vì vậy, những ngày đầu tiên sau thảm kịch diễn ra, những căn hộ có tài sản bên trong, những cửa hàng chất đầy hàng hóa đã thực sự trở thành thiên đàng cho những kẻ hôi của. Công an đã rất khó khăn mới ngăn không để cho tài sản bị ăn cắp. Cuộc sống trong vùng bán kính 30 km tính từ Chernobyl trở nên tê liệt, chỉ đôi lúc mới xuất hiện ở đây những người thích cảm giác rùng rợn.

Trong khi đó, hoạt động tại Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl vẫn diễn ra hết công suất. Sau khi lò phản ứng cháy rụi, cần phải gỡ bỏ toàn bộ các mảnh vụn uranium và than chì ra khỏi mái nhà và gom chúng nằm rải rác trong khu vực lại một chỗ.

Lò phản ứng này là một hố móng lớn được chất đầy than chì. Những bức tường bao, đáy và mái của lò phản ứng đều được làm từ chì (chì là chất duy nhất ngăn bức xạ xuyên qua). Trên thanh than chì có các lỗ để đặt lõi nhiên liệu uranium vào. Nhờ có phản ứng hạt nhân mà một lượng lớn nhiệt độ được phát ra.

Khác với nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện nguyên tử không đốt cháy oxy trong khí quyển và không làm ô nhiễm bầu không khí. Nhiệt được chuyển sang các tuốc bin hơi nước để sản sinh ra dòng điện. Các tuốc bin được đặt trong tòa nhà phía trên lò phản ứng. Bên trên lò phản ứng được đậy một lớp mái. Lớp mái này đã bị vụ nổ phá tung và toàn bộ trong đó bắt đầu bốc cháy.

Trong những ngày đầu tiên không nên đến gần lò phản ứng, bởi nhiệt độ tại đó lên đến 5 nghìn độ C. Lúc đó, trên nhà máy điện nguyên tử lơ lửng một đám mây phóng xạ bị gió mang đi. Đám mây này đã 3 lần bay vòng quanh trái đất, kết quả là có nhiều bức xạ bị phát tán trên khắp Châu Âu. Và đương nhiên trước hết là Ucraine và Belarus.

Trong khi đó, các chuyên gia xử lý sự cố cố gắng bằng mọi cách khống chế đám mây. Người ra dùng máy bay trực thăng để phun cát và tưới nước xuống lò phản ứng. Nhưng tất cả các phương pháp đều đem lại hiệu quả rất thấp, và trong không khí có tới 77 kg bức xạ. Điều này giống như việc người ta ném một lúc hàng trăm quả bom nguyên tử xuống nhà máy điện nguyên tử.

Khi lò phản ứng cháy hết, cần thu gom tất cả những mảnh vụn uranium và than chì. Mọi công việc được tiến hành bằng tay. Các chuyên gia xử lý sự cố đeo mặt nạ chống hơi độc và trang phục được làm bằng chì đã dùng xẻng xúc thành đống và dùng tay chọn những mẩu chất phóng xạ, ném chúng vào lò phản ứng đã cháy rụi.

Sau khi vệ sinh làm sạch khu vực, họ bắt đầu các công việc xây dựng trên lò phản ứng một chiếc quách lớn để ngăn rò rỉ bức xạ. Hiện người ta đang thực hiện dự án “hầm trú ẩn”, theo đó lò phản ứng số 4 hoàn toàn được đặt dưới lòng đất.

Sau thảm họa nhà máy điện nguyên tử, nhiều người đã ủng hộ việc đóng cửa nhà máy. Tháng 12/2000, người ta đã đóng cửa nhà máy này do hệ thống an toàn đã bị cũ và không hoàn thiện.

Nhưng còn hiện tượng bức xạ đã làm hỏng hàng trăm hecta đất ở Ucraine thì sao? Thời gian phân rã các đơn vị phóng xạ là khác nhau – từ 8 phút đến hàng trăm nghìn năm, nhưng gần như toàn bộ các chất đó (trừ uranium) đều có thời gian phân rã là trong khoảng 30 năm. Do vậy có thể hoàn toàn tin tưởng rằng, sau 15 – 20 năm nữa sẽ có người trở lại Chernobyl và Pripyat sinh sống, và khu vực này sẽ lại trở thành những thành phố xinh đẹp...

  • Q.Khánh (Theo Báo Nhân Dân Nga)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét